
|
Văn bản mới
Chi tiết tin
Ngày 03/02/2023, tập thể Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang long trọng tổ chức Lễ dâng hương nhằm ghi nhớ công ơn Đức Y Tổ Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) nhân kỷ niệm lần thứ 232 ngày mất của Người (1791 - 2023).
(Lãnh đạo Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang và các CB CCVC Bệnh viện thực hiện nghi lễ dâng hương trước tượng Y tổ Hải Thượng Lãn Ông)
TÓM TẮT CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG (LÊ HỮU TRÁC) TỪ NĂM 1724 - 1791
Đại danh y Lê Hữu Trác hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý (tứ ngày 11/12/1720) trong một gia đình có 6 tiến sỹ (nguyên quán tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên); mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) ở quê mẹ, xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) thọ 71 tuổi.
Dâng hương, hoa kính tưởng nhớ công lao và những giá trị mà Đại danh y để lại cho hậu thế. Những di sản về y đức, y đạo, y thuật mà của Đại danh y trở thành "cẩm nang" cho nền y dược học Việt Nam.
Cuộc đời của Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp; Lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông xứng đáng là người đã dựng 'ngọn cờ đỏ thắm' trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng chói về Y đức, Y thuật và y đạo cho đời sau noi theo.
Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho các thế hệ thầy thuốc mai sau nhiều lời răn rất hữu ích, đơn cử như:
"Ðạo làm thuốc là một nhân thuật, có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình mà không cầu danh lợi, kể công…"
Hoặc: "Nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con ngườ, sống chết trong tay mình nắm, phúc hoạ trong tay mình giữ. Thế thì đâu có kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà làm liều lĩnh học đòi cái nghề cao quí đó chǎng".
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) không những là một nhà y dược học vĩ đại, đã góp phần to lớn xây dựng nền y học dân tộc nước nhà, mà ông còn là nhà thơ, nhà vǎn tài hoa, nhà tư tưởng tiến bộ, thấm nhuần tinh thần nhân đạo sâu sắc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc "Y thánh của Việt Nam". Ông có nhiều câu thơ thấm đạm nhân nghĩa ở đời mà các thế hệ thầy thuốc mai sau phải khắc khi, đơn cử như:
"Phải đâu vất vả mong hậu báo,
Cứu người nghĩa trọng dám khinh phiền"
Hoặc:
"Công danh trước mắt trôi như nước,
Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương".
Kế thừa, phát huy những di sản quý giá của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, những năm qua, Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang luôn khẳng định là đơn vị "đầu tàu" ngành Y học cổ truyền của tỉnh Tiền Giang. Bệnh viện đã phát huy tinh hoa của nền y học cổ truyền kết hợp tiến bộ y học hiện đại để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tin, bài: Thành Trung
Góp ý & Thư viện